Đăng bởi |
Vì sao có nước chạy xe bên phải, có nước bên trái?
Đăng lúc Thứ tư - 05/12/2018 14:04 Trong tổng số 240 quốc gia và vùng lãnh thổ của thế giới, có 165 nơi áp dụng phương thức lưu thông phía tay phải, chỉ 75 nơi là di chuyển bên tay trái. Vì sao có sự phân chia này? |
Đăng bởi |
Đăng lúc Thứ tư - 05/12/2018 14:06 Con người đi bên phải trước hay bên trái trước? Con người đã bắt đầu lối lưu thông đi phía bên trái từ rất xưa. Thời cổ đại, người Hi Lạp, La Mã đã đi phía bên trái. Năm 1998, các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết bánh xe kéo ở một cái mỏ cổ thời La Mã ở Swindon, miền nam nước Anh. Các dấu bánh xe phía tay trái của con đường in rất sâu, cho thấy xe cộ khi ra khỏi mỏ chất đầy tải, ngược lại dấu bánh xe phía tay phải đường thì khá mờ, cho thấy khi xe cộ đi vào mỏ là xe không. Từ lúc xuất hiện các phương tiện di chuyển thô sơ như ngựa và xe kéo bằng sức ngựa, có lẽ đế chế La Mã rồi đến Anh là những quốc gia khai sinh phương thức lưu thông phía tay trái. Nguồn gốc của lối di chuyển này bắt đầu từ các kỵ sĩ La Mã và Anh thời xưa thường cưỡi xe trận hoặc ngựa đi bên tay trái con đường. Bởi con người đa số là thuận tay phải (70-95% là thuận tay phải), đi phía trái thì tay phải sẽ được rảnh rang để rút gươm chiến đấu. Tại Pháp, trước cuộc cách mạng 1789, giới quyền quý đi bên tay trái buộc các thứ dân phải đi bên phải. Sau cuộc Cách mạng lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế của vua Loius XVI, giới quyền quý sống ẩn mình, không dám phô trương như trước và thế là họ cũng đi bên tay phải như các thứ dân. Đến năm 1794, một đạo luật bắt buộc mọi người di chuyển phía tay phải khiến phương thức lưu thông này ngày càng phổ biến. Từ năm 1760-1840, vai trò của nước Pháp ở châu Âu và trên thế giới rất quan trọng. Năm 1804, khi Napoleon lên ngôi hoàng đế, ông đã tiến hành nhiều cuộc chiến chinh phục các nước Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Thụy Sĩ, Đức, Ba Lan và một số vùng của Tây Ban Nha và Ý, càng làm cho phương thức di chuyển bên phải được phổ biến rộng hơn. Các nước chống lại Napoleon như Anh, đế quốc Áo-Hung và Bồ Đào Nha thì vẫn duy trì phương thức di chuyển bên tay trái. Sự phân hóa về phương thức di chuyển này kéo dài hơn một thế kỷ, cho đến sau Thế chiến thứ nhất. Ở Bắc Mỹ, vào những năm 1700 trước khi lập quốc, người dân Mỹ đã có thói quen di chuyển bên phải. Lý do là thời đó người Mỹ thường dùng những cỗ xe tải do vài đôi ngựa kéo để vận chuyển hàng hóa. Do cỗ xe không có chỗ cho người lái ngồi, người lái thường cưỡi con ngựa ở hàng cuối phía bên trái, tay trái cầm cương để tay phải dễ dàng điều khiển lũ ngựa bằng roi. Để thuận tiện quan sát, người lái thường điều khiển xe đi sát phía lề phải con đường, hình thành thói quen đi bên phải. Cũng trùng hợp là vào cuối thế kỷ 18, di dân từ các nước châu Âu ồ ạt đổ vào nước Mỹ, mang theo các tập quán sinh hoạt cũng như thói quen lưu thông phía tay phải càng làm cho nó trở nên phổ biến rộng khắp. Lưu thông phía phải đã trở thành bắt buộc với các đạo luật ban hành vào các năm 1792 ở bang Pennsylvania, 1804 ở New York và 1813 ở bang New Jersey. Nhiều nước châu Á vẫn lưu thông bên trái, vì sao? Bắt đầu từ thế kỷ 19, xu hướng chung của thế giới là lưu thông phía tay phải, chỉ có người Anh vốn bảo thủ là kiên quyết không hòa nhập vào xu hướng này với một đạo luật ban hành năm 1773, chính thức bắt buộc việc lưu thông phía tay trái. Các nước thuộc địa của Anh dĩ nhiên cũng phải tuân thủ theo quy định này của "mẫu quốc". Đó là lý do tại sao cho đến ngày nay, các nước Ấn Độ, Úc, New Zealand, Hong Kong, Singapore và một số nước châu Phi (Kenya, Tanzania, Uganda, Zambia, Zimbabwe và Nam Phi) vốn là thuộc địa cũ của Anh, vẫn duy trì phương thức lưu thông bên tay trái. Một trường hợp khá thú vị là Nhật Bản, dù nước này không phải là thuộc địa của Anh nhưng ngay từ thời Mạc phủ Tokugawa (1603-1868), người dân nước này đã quen với lưu thông phía tay trái. Bắt đầu từ năm 1872, người Anh trợ giúp kỹ thuật cho chính phủ Nhật trong việc xây dựng mạng lưới đường sắt và tàu điện đầu tiên ở nước này. Do đó, các đoàn tàu hỏa và tàu điện đều đi ở phía trái theo kiểu Anh càng làm cho lối lưu thông này trở thành truyền thống, sau đó được chính thức hóa bởi một đạo luật ban hành vào năm 1924. Hiện nay, ở châu Á, ngoài các nước kể trên còn có Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Brunei, Macau, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal và Bhutan là vẫn lưu thông phía trái.
Trong giai đoạn thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, nước Pháp ra sức mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua việc xâm chiếm các nước ở châu Phi (Morocco, Tunisia, Algeria, Niger, Nigeria, Senegal, Gambia, Gabon, Cameroon…) và châu Á (Lào, Campuchia, Việt Nam), họ cũng áp dụng phương thức lưu thông bên phải cho các nước thuộc địa này. Cho đến trước Thế chiến thứ nhất (1914-1918), có đến 104 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng phương thức lưu thông bên trái. Nhưng từ năm 1919-1986, có 34 nước chuyển sang lối lưu thông bên tay phải theo xu hướng chung của thế giới. Một điều khá thú vị là lưu thông phía tay phải cũng áp dụng cho cả đường sắt lẫn đường thủy và đường hàng không chứ không chỉ cho riêng đường bộ. Mạng lưới đường sắt ở các nước Bắc Mỹ, châu Âu và châu Mỹ Latin đều áp dụng phương thức lưu thông bên phải. Còn về đường thủy, theo Quy định quốc tế về phòng tránh va chạm trên biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO, các tàu thuyền có gắn động cơ di chuyển trên một hải lộ hẹp (như eo biển, vịnh, kênh) phải đi sát bờ phía mạn phải của tàu (starboard). Khi hai chiếc tàu đi ngược chiều nhau và có khả năng xảy ra va chạm, mỗi chiếc phải lách tránh về phía phải của mình. Cơ quan quản lý hàng không Hoa Kỳ FAA cũng có quy định tương tự: các máy bay khi đang bay nếu xảy ra trường hợp đối đầu nhau, mỗi chiếc phải lách tránh về phía tay phải của mình. |
Vì sao có nước chạy xe bên phải, có nước bên trái? Để thảo luận bạn phải đăng nhập thành viên. Đăng nhập
|
|
Thảo luận khác
|
Gửi thảo luận trong mục Xã hội học |