Đăng bởi
Khanh Huong
Ngày tham gia 03/08/2017

GS.TS. Lân Dũng: Vì sao chuộng hàng ngoại?

Đăng lúc Thứ tư - 02/12/2015 20:19
Thảo luận trong mục Nhà khoa học, 1613 lượt xem

Chúng tôi tới thăm gia đình GS. TS. Nguyễn Lân Dũng, tình cờ biết tin chúng tôi mới ra mắt trang thông tin 36pho.vn, GS. Lân Dũng gửi cho nhóm biên tập bài viết này nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Bài viết nêu lên vấn đề tại sao người Việt Nam lại chuộng hàng ngoại, xin chia sẻ cùng Quý bạn đọc.

Trung thu các năm trước bánh dẻo, bánh nướng Trung Quốc chất lượng cao chiếm lĩnh áp đảo thị trường Việt Nam. Phải chăng bánh của chúng ta không ngon bằng bánh Trung Quốc.

Thật ra cái chính là bánh của ta có bao bì quá đơn giản và xấu mà Trung Thu là dịp người ta dùng bánh Trung Thu để làm quà cho các gia đình có trẻ em. Mà nhà nào bây giờ không có trẻ em, kể cả đó là cháu, là chắt (!). Năm nay khác hẳn. Hầu như không thiếu gì các mặt hàng bánh Trung Thu rất đẹp và chất lượng cũng rất ngon. Cái bánh chỉ bé bằng ¼ thể tích cái bao và bằng 1/8 cái hộp , cái túi xách rất đẹp.

Tôi cảm thấy loại bánh chất lượng cao này không ai mua để ăn mà chỉ ăn các bánh được biếu, nếu được biếu nhiều thì lại đem biếu người khác. Loại trừ động cơ biếu xén để hối lộ, nịnh nọt cấp trên, đa số người mua bánh Trung Thu cao cấp là tình cảm dành cho người yêu, người thân trong hai gia đình nội ngoại và bạn bè thân thiết. Điều đó nói lên muốn cạnh tranh với hàng ngoại thì trước hết phải nâng cao chất lượng hàng hóa. Tất nhiên với 73% cư dân nông thôn nước ta đang sống ở nông thôn và phần lớn mức sống còn rất thấp cho nên với đối tượng này thì giá thành phải giảm đi nhờ đơn giản hóa bao bì mà chỉ chú trọng đến chất lượng vừa ngon, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Lại nói đến quần áo, tôi đã vài lần hý hửng mua được ở nước ngoài những quần áo đẹp, nhưng khi về đến khách sạn mở ra thì rất buồn cười khi thấy bên trong quần áo có dòng chữ Made in Vietnam. Điều đó chứng tỏ bàn tay và khối óc của các nhà doanh nghiệp may mặc Việt Nam đâu có thua kém nước ngoài. Nhưng thật đáng tiếc trong giá thành quần áo ấy thì tiền mua vải, khuy và cả máy may đều phải chi cho việc nhập từ nước ngoài. Tiền lãi ngoài mồ hôi của công nhân phải là chất xám của các nhà thiết kế. Ngày nay người ta mua quần áo chủ yếu vì đẹp, vì hợp thời trang chứ đâu phải vì ấm, vì bền.

Chúng ta phải tìm cách liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp may mặc với các nghệ sĩ thiết kế tài hoa, kể cả các họa sĩ danh tiếng. Nhẽ nào Lịch lụa năm nào cũng tràn lan tranh Thiếu nữ bên hoa huệ mà chất lượng khác xa tác phẩm gốc. Vì sao áo lụa Hà Đông lại chỉ quanh quẩn với mấy loại mẫu quen thuộc. Gần đây tôi thấy trên truyền hình một bà bán guốc  ở Cần Thơ không đủ hàng dể bán, nhất là bán cho Việt kiều (!). Cái mũ, cái nón , cái áo phông (T-shirt) cũng là những mặt hàng thỏa sức cho sự sáng tạo của người Việt . Nhẽ nào cái nón bài thơ thanh lịch ngày xưa nay mang những hình ảnh sặc sỡ, đơn điệu và cẩu thả với những quai nón xấu xí. Nhẽ nào mũ che nắng được trang trí lòe loẹt chỉ với mục đích quảng cáo thô thiển cho các doanh nghiệp? Nhẽ nào áo phông chỉ đơn giản in quốc kỳ, bản đồ Việt Nam, vịnh Hạ Long, thậm chí có khi in cả hình lãnh tụ ? Quần áo trẻ em hấp dẫn đâu phải vì chất vải mà chính là ở các mẫu mã , mầu sắc và thích hợp với tâm lý con em chúng ta.

Kể thêm về rau cỏ, thức ăn hàng ngày của mọi người dân. Tôi không đồng ý với danh hiệu Rau sạch, Rau an toàn. Bởi vì nhẽ ra mọi loại rau cung cấp cho dân đều không thể là Rau bẩn, Rau không an toàn. Trong thực tế với kiểu trồng rau rộng rãi bởi các hộ nông dân như hiện nay thì dù có huấn luyện, tuyên truyền, kiểm tra đến đâu cũng không thể yên tâm bởi các sản phẩm rau cỏ họ đưa ra thị trường (khác hẳn với loại rau trồng trên diện tích nhỏ dể dành riêng cho gia đình họ) . Nếu không có lưới che chắn bướm, nếu không dùng thuốc trừ sâu sinh học (BT, abamectin...) thì không thể có rau, quả, củ sạch được, bởi vì có khi chỉ một đêm sâu có thể phá tan cả ruộng rau. Ra chợ mua loại rau có một ít vết sâu ăn chưa chắc đã là rau sạch. các bà buôn rau đã xui nông dân để sâu ăn một ít rồi hãy phun thuốc trừ sâu đấy (!). Thậm chí có những bà bán rau còn ma mãnh thỉnh thoảng tung một ít sâu sống lên trên mặt rau để đánh lừa người mua.

Chúng tôi đang phấn dấu giúp Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh triển khai loại Rau có bảo đảm với bao bì ghi rõ “Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu còn có dư lượng thuốc trừ sâu hóa học”. Đó là những nơi có doanh nghiệp trồng rau mà nông dân chỉ là những công nhân làm công ăn lương mà thôi. Tôi rất mong Hà Nội sớm có những doanh nghiệp như vậy để trên thị trường sớm có Rau có bảo đảm, dù cho giá bán có thể cao hơn chút ít. Khái niệm sục rau trong dung dịch có ôzôn để rút được thuốc trừ sâu ra khỏi rau quả là các thông tin không có cơ sở khoa học do đó không nên coi là boieenj pháp để sản xuất Rau an toàn.

Người Việt dùng hàng Việt không chỉ nhằm nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần ủng hộ các doanh nghiệp Việt Nam, kích cầu nền kinh tế của đất nước mà còn nhằm khuyến khích người nông dân, các cơ sở sản xuất công nghiệp, các trung tâm thương mại cần sản xuất ra các hàng vừa có giá cả thích hợp, vừa có chất lượng cao và có mẫu mã đẹp. Theo tôi cán bộ lãnh đạo các cấp cũng cần gương mẫu trong việc ăn mặc, tiêu dùng bằng hàng Việt . Đó cũng là một biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước đấy!

Chúng ta đừng nên quên những lời khuyên của chí sĩ Lương Văn Can (1854-1927): 10 điểm yếu của người Việt Nam khi làm nghề buôn. Đó là:

   1. Người mình không có thương phẩm.
   2. Không có thương hội: Cách thức lập hội chưa thạo, kẻ gian quyết mượn tiếng lập hội làm kế vơ vét thành ra thương hội chưa lập đã vỡ, cổ phần chưa họp đã tan.
   3. Không có tín thực: cái ám muội của nhà buôn ta không thể nào tả hết được, chỉ xem ngạn ngữ ta rằng “thực thà cũng thể lái buôn” thời đủ biết được đức tính của lái buôn vậy. Cũng chính bởi cái lòng không tín thực ấy mà làm trở lực cho hàng hoá của ta không thể nào bán mạnh bằng hàng hoá các nước được.
   4. Không có kiêm tâm.
   5. Không có nghị lực.
   6. Không biết trọng nghề.
   7. Không có thương học.
   8. Kém đường giao thiệp: xem các nước đều có học tiếng Anh là tiếng vạn quốc thông dụng để đi đến nước nào cũng được tiện lợi và in những sách chiêu hàng phân phát cho nhiều người tiêu dùng.
   9. Không biết tiết kiệm: làm ít tiêu nhiều, dư dật được ít nào đều bị cái phong trào xa xỉ nó cuốn đi cả. Bởi thế nên có nhiều người tháng này ôtô cáo cùng mà tháng trước vẫn ôtô song mã; lắm nhà ngày mai tịch ký mà ngày nay vẫn bày châu báu ngọc ngà, thật là chỉ choáng bề ngoài mà xấu bề trong, tốt bộ vỏ mà không có ruột. Trách nào vốn liếng mỗi ngày chẳng kém, sinh kế ngày càng quẫn bách.
  10. Khinh nội hoá: khiến cho lợi quyền mất cả ra ngoài, trách nào nghề buôn mình chả kém các nước.

 

Theo 36pho.vn
Trả lời (0)     Thích (0)      In   

GS.TS. Lân Dũng: Vì sao chuộng hàng ngoại?

Để thảo luận bạn phải đăng nhập thành viên. Đăng nhập

Thảo luận khác

Gửi thảo luận trong mục Nhà khoa học