Đăng bởi
duc dung
Ngày tham gia 08/09/2017

Tập tính các loài muỗi truyền bệnh và cách phòng chống.

Đăng lúc Thứ sáu - 04/03/2016 08:56
Thảo luận trong mục Y học lâm sàng, 940 lượt xem

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường được gọi là muỗi vằn (Aedes aegypti). Muỗi truyền bệnh sốt rét thường được gọi là muỗi đòn xóc (Anopheles). Mỗi loài muỗi truyền bệnh có một đặc điểm, tập tính riêng trong vai trò truyền bệnh. Dựa vào tập tính của các loài muỗi, các nhà khoa học đã xây dựng biện pháp phòng chống bệnh do muỗi truyền.

Muỗi vằn

Muỗi vằn có tên gọi là Aedes aegypti, thường sống và hoạt động ở các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Nó là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng và một số bệnh do virut khác. Muỗi chủ yếu đẻ trứng ở môi trường gần nhà, nơi chúng ưa thích là chum, vại chứa nước đặt trong nhà hoặc ngoài nhà, ống máng, kẽ lá, ống nứa, lốp xe hỏng, vỏ đồ hộp, chậu cảnh... Tất cả những dụng cụ này thường chứa nước tương đối trong. Muỗi có tập tính chích đốt máu người vào buổi sáng hoặc buổi chiều, đa số thường chích đốt máu và trú đậu để nghỉ ở ngoài nhà nhưng tại các đô thị, thành phố vùng nhiệt đới; nó có tập tính đẻ trứng, chích đốt máu, trú đậu ở trong nhà và chung quanh nhà.

Hiện nay chưa có vaccin phòng bệnh sốt xuất huyết nên biện pháp phòng bệnh tốt nhất vẫn là làm giảm mật độ hoạt động của muỗi vằn. Biện pháp lâu dài, ít tốn kém là hạn chế nơi muỗi đẻ trên diện rộng như san lấp những ổ muỗi đẻ trứng tự nhiên hay nhân tạo, đốt cháy hay loại bỏ các loại rác hữu cơ, làm lưới che những dụng cụ đậy nước ăn, lắp đặt ống dẫn nước và hệ thống nước thải kín... Nếu những biện pháp trên không áp dụng được, cần diệt bọ gậy bằng các phương pháp an toàn và hiệu quả như thau vét loại bỏ bọ gậy, thả cá ăn bọ gậy, dùng hóa chất diệt bọ gậy... Ngành y tế dự phòng đã sử dụng khẩu hiệu tuyên truyền "Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết" để cộng đồng cùng tham gia thực hiện. Chiến lược làm giảm nguồn gây bệnh cho cộng đồng cần truyền thông giáo dục y tế rộng rãi và lâu dài. Ngoài ra, cũng nên áp dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân phòng chống muỗi đốt ban ngày như áo quần phòng hộ, hóa chất xua muỗi, lưới chống muỗi, phun hóa chất diệt muỗi trong nhà, hương diệt muỗi, ngủ màn.

Muỗi đòn xóc (Anopheles)

Muỗi đòn xóc có tên gọi là Anopheles, chúng có 3 loài chính truyền bệnh sốt rét ở Việt Nam là Anopheles minimus hoạt động ở vùng rừng núi trên toàn quốc, Anopheles dirus hoạt động ở vùng rừng núi từ vĩ độ Bắc 20 trở vào Nam và Anopheles sundaicus hoạt động ở vùng ven biển nước lợ từ Phan Thiết vào phía Nam.

Muỗi Anopheles minimus thích đốt máu người, tập tính này thay đổi tùy từng địa phương và phụ thuộc vào tình hình chăn nuôi gia súc như trâu, bò. Những nơi ít chăn nuôi trâu, bò thì muỗi tập trung đốt máu người nhiều hơn. Ngược lại, nơi có nhiều trâu, bò; muỗi tăng cường đốt máu gia súc, giảm bớt đốt máu người. Trước khi sử dụng hóa chất diệt côn trùng, muỗi thường có tập tính đốt máu người ở trong nhà. Sau khi dùng hóa chất diệt muỗi một thời gian, nó lại thay đổi tập tính và tăng khả năng đốt máu người ở ngoài nhà. Muỗi có hoạt động chích đốt máu suốt đêm, đỉnh cao phổ biến nhất là từ 22 giờ tối đến 3 giờ sáng. Chúng có tập tính trú đậu trong nhà, thường ở bề mặt tường vách, quần áo, dụng cụ treo trong nhà, phía sau tủ, gầm bàn, gầm giường, trên mái tranh của những nhà có vách thấp. Tuy vậy, một số trường hợp ghi nhận muỗi trú đậu ở ngoài nhà ban ngày, thường được phát hiện ở các hốc cây, hốc đất nằm ở ven suối.

Muỗi Anopheles dirus chủ yếu chích đốt máu các loài linh trưởng như khỉ, vượn trong rừng. Khi gặp người đi vào rừng, nó chuyển sang chích đốt máu người và loài muỗi này đã được xác định rất ưa thích chích đốt máu người. Muỗi có tập tính chích đốt máu người ở cả trong nhà lẫn ngoài nhà và tỷ lệ chích đốt thay đổi tùy theo từng địa phương. Hoạt động chích đốt máu của muỗi hầu như suốt đêm và đỉnh cao cũng thay đổi theo vùng, theo mùa. Tại Việt Nam, muỗi có đỉnh hoạt động chích đốt máu phổ biến từ 20 giờ - 24 giờ đêm. Ở một số địa phương, có khoảng 85% muỗi bắt được hoạt động trước 24 giờ, chỉ có 15% muỗi bắt được hoạt động sau 24 giờ. Hoạt động chích đốt máu sớm của muỗi đã làm hạn chế tác dụng của màn ngủ tẩm hóa chất diệt muỗi vì có một tỷ lệ đáng kể muỗi đốt người trước khi đi ngủ, do đó màn ngủ tẩm hóa chất không phát huy được tác dụng. Muỗi có tập tính trú đậu, tiêu máu đã chích đốt ở ngoài nhà, rất ít khi phát hiện được nó trú đậu trong nhà, ngay cả khi phương pháp điều tra được thực hiện từ lúc sáng sớm. Do muỗi có tập tính trú đậu ngoài nhà nên biện pháp phun tồn lưu hóa chất diệt muỗi ở trong nhà hầu như bị hạn chế tác dụng.

Muỗi Anopheles sundaicus có tập tính chích đốt máu cả người và động vật, tập tính này thay đổi theo từng vùng địa lý. Tại Việt Nam, muỗi được xác định là thích chích đốt máu người ở cả trong nhà và ngoài nhà; hoạt động chích đốt máu của muỗi hầu như xảy ra suốt đêm, không có đỉnh rõ ràng. Muỗi cũng có tập tính trú đậu trong nhà ban ngày nhưng dưới tác động của các loại hóa chất can thiệp được sử dụng trong phòng chống muỗi truyền bệnh, muỗi đã thay đổi tập tính chuyển ra trú ẩn ở ngoài nhà.

Các biện pháp phòng chống muỗi đòn xóc truyền bệnh sốt rét có tác dụng quan trọng trong Chương trình phòng chống sốt rét hiện nay. Mục đích phòng chống muỗi truyền bệnh là làm giảm hoặc loại trừ sự tiếp xúc giữa người với muỗi truyền bệnh. Có thể sử dụng những phương pháp để khống chế muỗi trưởng thành hoặc bọ gậy như sử dụng các loại hóa chất xua muỗi, diệt muỗi, diệt bọ gậy, các tác nhân sinh học, cải tạo và thay đổi môi trường, biện pháp cơ học... Thực tế hiện nay, sử dụng các loại hóa chất xua diệt muỗi để xoa ngoài da, tẩm vào màn ngủ, phun tồn lưu lên tường vách vẫn là biện pháp quan trọng nhất.

Trả lời (1)     Thích (0)      In   

Đăng bởi

Ngày tham gia 19/04/2024

Đăng lúc Thứ sáu - 04/03/2016 15:26

Cảm ơn bài chia sẻ của bạn 

Xoá     Sửa     Trả lời     Thích (0)  

Tập tính các loài muỗi truyền bệnh và cách phòng chống.

Để thảo luận bạn phải đăng nhập thành viên. Đăng nhập

Thảo luận khác

Gửi thảo luận trong mục Y học lâm sàng