Đăng bởi |
Những cao thủ "diễn sâu" trong thế giới tự nhiên
Đăng lúc Thứ hai - 21/05/2018 09:23 Để trốn kẻ thù, rắn Hognose nằm phơi bụng và ngừng thở. Còn chồn opossum "diễn sâu" đến độ vừa bất động vừa tỏa ra mùi tử thi... Trong thế giới tự nhiên, nếu không mạnh hãy dùng trí. Dưới đây là cách một số loài trốn tránh kẻ thù và săn mồi. Cá mập chanh (Negaprion brevirostris) Cá mập chanh có chiều dài khoảng 3m, sống chủ yếu ở các vùng biển cận nhiệt đới. Theo trang National Geographic, tuy là loài ăn thịt nổi tiếng nhưng chúng vẫn giả chết để tránh những đợt giao chiến dữ dội. Các nhà khoa học phát hiện rằng chỉ cần tác động vào phần đầu cá mập, chúng sẽ lật ngửa, thân mềm ra và hơi thở chậm lại trong vòng 15 phút. Cá mập chanh "diễn sâu" đến nỗi các nhà khoa học có thể dễ dàng nghiên cứu, thậm chí tiến hành tiêm chích trên cơ thể chúng. Cáo Từ lâu, cáo nổi tiếng loài giả chết "chuyên nghiệp". Không ít lần cáo thoát khỏi cả một bầy sói hoặc chính con người nhờ kỹ năng đặc biệt này. Thỉnh thoảng cáo nằm lăn ra đất và thè lưỡi ra như đã chết để dụ chim ăn xác. Khi chim bay đến đúng tầm, cáo chồm dậy và bắt mồi. Côn trùng Kiến là loài giả chết thường gặp trong đời sống hàng ngày. Khi một đàn kiến phải chiến đấu, "lính" trưởng thành sẽ chiến đấu tích cực trong khi những con còn nhỏ thường chạy trốn hoặc giả chết để tránh tổn thất. Khi chạm vào một con kiến bất kỳ, bạn sẽ thấy chúng bất động trong vài giây. Nhưng khi ta lơ là, chúng nhanh chóng tẩu thoát. Bọ hung cũng là loài giả chết dễ thấy. Khi tác động vào lớp áo giáp của chúng, toàn thân bọ hung cứng đơ, không động đậy. Chờ khi nguy hiểm qua đi, bọ hung trở lại bình thường. Cá hoàng đế Livingston (Nimbochromis livingstonii) Theo trang National Geographic, cá hoàng đế Livingston không giả chết để tránh nguy hiểm mà để săn mồi. Chúng thường có màu xanh sẫm hoặc trắng sứ, bên trên là các khoang tròn màu nâu sẫm hoặc đen. Loài này săn các loại sinh vật nhỏ bằng cách nép mình bên các tảng đá hoặc giả chết để rình mồi, mỗi lần kéo dài 15 phút. Khi các sinh vật nhỏ tìm đến "khám nghiệm tử thi", cá hoàng đế Livingston nhanh chóng chộp lấy con mồi. Cóc tía (Bombina) Một số loài cóc tía ở châu Á và châu Âu là bậc thầy trong việc giả chết. Cóc tía cong chân, vặn sườn để lộ những đốm vàng, cam dưới lòng bàn chân. Thậm chí cóc nằm ngửa bất động để lộ lưng với những vết đủ màu dưới bụng. Các loài khác muốn ăn chúng sẽ phải e dè bởi những vết nhiều màu sắc này có thể là dấu hiệu của độc tố. Chồn opossum (Didelphis virginiana) Theo trang National Geographic, khi hoảng sợ, chồn opossum không chỉ giả chết bằng cách bất động mà thậm chí còn có thể tự khiến cơ thể bốc mùi tử thi. Chính sự "diễn sâu" này đã khiến hầu hết kẻ thù của chúng hoảng sợ và bỏ của chạy lấy người. Rắn Hognose (Heterodon simus) Theo trang Science Direct, khi bị đe dọa, rắn Hognose trước hết sẽ bành cổ như rắn hổ mang để hù dọa đối phương. Nếu kẻ thù vẫn không sợ, rắn giả vờ chết bằng cách lăn tròn, ngửa bụng, há miệng, thè lưỡi, thậm chí ngừng thở hay nôn ra máu. Chim choi choi (Charadrius vociferus) Vào mùa sinh sản, chim choi choi thường "diễn kịch" để bảo vệ tổ của mình thay vì bảo vệ bản thân. Theo trang Dawn.com, khi phát hiện có kẻ thù đến gần tổ, chim choi choi sẽ làm mọi cách để dụ kẻ thù đi xa. Chim chạy nhanh đánh lạc hướng kẻ thù. Khi thấy kẻ thù không "có hứng" đuổi theo, chim dang cánh, sắp xếp khéo léo làm cho nhìn vào tưởng nó đang bị thương. Kẻ thù tưởng chim gẫy cánh khoái chí đuổi theo. Khi đến nơi, chim ngay lập tức trở lại bình thường và bay đi. Vậy là vừa bảo vệ được tổ, vừa an toàn cho bản thân. |
Những cao thủ "diễn sâu" trong thế giới tự nhiên Để thảo luận bạn phải đăng nhập thành viên. Đăng nhập
|
|
Thảo luận khác
|
Gửi thảo luận trong mục Khoa học xã hội khác |