Đăng bởi
Vũ Tú Linh
Ngày tham gia 29/12/2017

Có nên sạc điện thoại qua đêm?

Đăng lúc Thứ hai - 29/08/2016 10:00
Thảo luận trong mục Khoa học y, dược khác, 1080 lượt xem

Cho mình hỏi là điện thoại có nên sạc qua đêm không ??? Như thế có hại cho điện thoại hay ảnh hưởng gì đến con người không ???

Trả lời (2)     Thích (0)      In   

Đăng bởi
Hương Trần
Ngày tham gia 29/12/2017

Đăng lúc Thứ ba - 30/08/2016 10:22

Có nên sạc điện thoại qua đêm? Một câu hỏi ngắn gọn nhưng có rất nhiều câu trả lời khác nhau.

Nhiều người cho rằng việc thường xuyên cắm sạc qua đêm sẽ làm pin lithium-ion trong điện thoại giảm tuổi thọ vì có thể bị quá tải.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Anker, hãng chuyên sản xuất sạc điện thoại, ông Edo Campos nói: "Thực tế là những thế hệ điện thoại thông minh ngày nay biết khi nào cần ngắt sạc".

Điện thoại Android hay iPhone ngoài bộ phận lưu trữ năng lượng là Pin, nó còn một bộ phận quan trọng không kém đó là chip quản lý nguồn điện.

Con chíp này bảo vệ pin không phải hấp thụ dòng điện dư thừa khi chúng được sạc đầy. Nó sẽ chủ động điều tiết, phân phối, đóng ngắt điện sạc vào pin tùy theo từng hoàn cảnh cần thiết.

Vì vậy, theo lý thuyết, thiệt hại từ việc sạc điện thoại qua đêm là không đáng kể.

Tuy nhiên, hầu hết các dòng điện thoại hiện nay đều sử dụng một công nghệ đó là sạc nhanh và đây chính là nguy cơ ảnh hưởng pin của bạn.

Hatem Zeine, người sáng lập, giám đốc kỹ thuật của Ossia cho rằng công nghệ này cho phép pin điện thoại nhận điện nhanh hơn, tăng tốc độ sạc nên thời gian sẽ được rút ngắn.

Sạc nhanh khiến pin Lithium-ion dễ bị ăn mòn nhanh hơn bình thường. Ông Zeine nói: "Nếu bạn để chế độ sạc nhanh mọi lúc thì tuổi thọ pin sẽ giảm".

Tuy nhiên ông Zeine cũng đưa ra một giải pháp chính là sử dụng sạc của một thiết bị yếu hơn vật cần sạc. Ví dụ dùng sạc iPhone để sạc một cái iPad Pro. Zeine nói: "Tất nhiên nó sẽ sạc rất chậm. Nhưng nó sẽ bảo vệ pin thiết bị của bạn".

Để bảo vệ tuổi thọ pin, phải đảm bảo rằng điện thoại của bạn không bị nóng quá. Theo ông Campos, nhiệt độ cao sẽ kích thích sự hoạt động của lithium-ion trong pin, do vậy pin sẽ nhanh chóng bị chai.

Cả chuyên gia Zeine và Campos đều cho rằng nếu bạn có ý định đổi điện thoại trong khoảng 2 năm thì không nên quá bận tâm về sạc qua đêm vì nó không gây ra nhiều ảnh hưởng.

Theo số liệu trong một cuộc khảo sát vào năm 2015, 44% người dùng điện thoại sẽ nâng cấp hoặc đổi mới máy mới khi các nhà cung cấp ra sản phẩm khác, thường là hai năm. Và thường sau khoảng thời gian này pin cũng bắt đầu có dấu hiệu hao mòn

Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ tờ The New York Times. Đây là một nhật báo trực thuộc Công ty New York Times, được phong tặng tên hiệu "Bà tóc bạc" ("Gray Lady") và được xem là tờ báo danh giá (newspaper of record) và quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

 

Nguồn tin: Theo Infonet.vn

 

Đăng bởi
Nguyễn Thị Huyền
Ngày tham gia 29/12/2017

Đăng lúc Thứ ba - 13/09/2016 10:55

Sạc pin điện thoại mỗi tối có lẽ là một hành động quá đỗi quen thuộc của những người đang sử dụng thiết bị công nghệ này, tuy nhiên việc sạc như vậy cũng chính là lúc ảnh hưởng nhiều đến pin nhất.

Trung bình thời gian cho mỗi lần sạc điện thoại, cụ thể là smartphone, thông thường mất khoảng 2,5 giờ đồng hồ hoặc hơn tùy nguồn điện và dung lượng pin của từng máy. Chính vì vậy mà không tránh khỏi việc nhiều người dùng thường phát sinh thói quen sạc điện thoại qua đêm. Thế nhưng liệu đây có phải là thói quen tốt cho pin smartphone và bao nhiêu điện năng sẽ bị hao phí nếu bạn không rút sạc?

Rất nhiều người đang có thói quen sạc điện thoại qua đêm

Dữ liệu thực tế về việc sạc pin

Ở đây có một tin tốt là có rất nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào các bộ sạc điện thoại trong vài năm gần đây và các tổ chức như Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng như các nhà sản xuất thiết bị di động vẫn đang thực hiện nhiều nỗ lực để có thể sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn. Theo sáng kiến 'One Watt' của tổ chức IEA thì mức tiết kiệm năng lượng sẽ ở 1 watt và chỉ còn ít hơn1/2 watt cho các thiết bị điện tử ở chế độ chờ vào năm 2013. Tiêu chuẩn này cũng được áp dụng cho các bộ sạc di động khi được cắm vào nguồn điện nhưng không sạc cho thiết bị.

Các bộ sạc di động ngày càng trở nên tiết kiệm năng lượng hơn

Ngay cả khi bộ sạc không được kết nối nó vẫn kéo một lượng nhỏ năng lượng từ lưới điện. Với mỗi 1/2 watt điện năng được tiêu thụ và sạc cắm qua đêm sẽ đủ cung cấp năng lượng cho một lần tắm nước nóng bằng máy nước nóng gia đình, theo giáo sư David MacKay thuộc Đại học Cambridge. Nếu lượng năng lượng này nhân với tất cả những người đang sở hữu smartphone thì lượng điện năng bị lãng phí là rất lớn. Chính vì vậy, tuy không nhiều nhưng bạn vẫn có thể tiết kiệm được một chút năng lượng cho...nhân loại nếu gỡ cắm sạc khi không cần thiết.

Điện năng tiêu thụ khi sạc qua đêm

Ít hơn 1/2 watt là con số tiêu thụ điện khi sạc không kết nối với thiết bị, vậy còn nếu cắm sạc với điện thoại qua đêm thì sao? Theo nghiên cứu năm 2012 của phòng thí nghiệm Lawrence Berkeley (Hoa Kỳ), bộ sạc khi ở chế độ chờ tiêu thụ trung bình 0,26 watt, con số này tăng lên 3,68 watt khi sạc được kết nối với điện thoại và giảm xuống 2,24 watt khi điện thoại đầy pin. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu tất cả người dùng smarphone ở Anh rút sạc sau khi sạc đầy thì sẽ tiết kiệm được lượng điện năng đủ cung cấp cho một thị trấn dùng.

Tổ chức Energy Saving Trust (EST) cũng cho biết các hộ gia đình ở Anh có thể tiết kiệm 50 - 80 triệu bảng một năm bằng cách rút tất cả các thiết bị điện không sử dụng vào ban đêm, bao gồm sạc điện thoại thông minh, lò vi sóng, ti vi và các thiết bị định tuyến. Nếu điện thoại của bạn chỉ mất một hoặc hai giờ để sạc đầy, EST cũng khuyến nghị bạn sạc điện thoại ngay khi có thời gian rảnh chứ không nên sạc qua đêm.

Pin Lithium ion

Các dòng smartphone hiện nay thường được trang bị pin Lithium ion (Li-ion). Nếu pin bị sạc quá đầy hoặc quá cạn thì nó sẽ trở nên mất ổn định và tiềm ẩn các nguy cơ về cháy nổ, gây nguy hiểm cho người dùng. Chính vì vậy, các bộ sạc hiện đại được thiết kế để ngăn chặn những nguy cơ này và cắt điện mỗi khi pin đạt mức 100%.

Tuy nhiên, việc sạc giữ pin điện thoại ở mức 100% lâu hơn cần thiết sẽ làm giảm tuổi thọ pin nhanh hơn. Về mặt kỹ thuật thì bạn không nên sạc đầy pin Lithium ion nếu có thể, để làm tăng tuổi thọ pin.

Không nên sạc đầy 100% cho pin Lithium ion

Khi sạc qua đêm, điện thoại sẽ được sạc một cách rất chậm cho đến khi pin đầy để đảm bảo an toàn cho người dùng. Các bộ sạc không chính hãng đôi khi không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn riêng của mỗi sản phẩm nên sẽ ẩn chứa các nguy cơ cháy nổ và thực tế là cũng có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra mà nguyên nhân chính là do sạc 'rởm'. Chính vì vậy, người dùng nên sử dụng bộ sạc và cáp được cung cấp bởi chính hãng điện thoại để đảm bảo độ an toàn cao nhất.

Sử dụng pin điện thoại ở mức trung bình, sau đó sạc trong một thời gian ngắn vừa đủ dung lượng pin để dùng sẽ tốt hơn sạc đầy rồi dùng đến cạn kiệt pin điện thoại. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào nhu cầu và thói quen sử dụng của người dùng.

Tương lai của pin thông minh

Khi mà các bộ sạc ngày càng trở nên thông minh cho tốc độ sạc nhanh và hiệu quả hơn thì cũng là lúc các nhà sản xuất trở lại tập trung vào công nghệ pin trên smarphone.

Trong tương lai pin có thể được sạc bằng chuyển động cơ thể

Một công nghệ mới được phát triển bởi nhóm start-up Qnovo hứa hẹn cho phép vừa tăng tuổi thọ pin vừa giảm thời gian sạc xuống. Bên cạnh đó, pin trên các thiết bị thông minh cũng có thể được sạc bằng chuyển động của cơ thể mà không cần đến ổ cắm điện. Trong tương lai không quá xa, mỗi lần sạc có thể được giảm xuống chỉ còn một vài phút và việc phải sạc điện thoại qua đêm chỉ còn là quá khứ.

Có thể thấy việc rút điện khi pin điện thoại đầy hoặc gần đầy sẽ giúp tiết kiệm năng lượng và có lợi hơn cho tuổi thọ của pin Lithium ion. Và người dùng có thể thay đổi thói quen sạc pin đôi chút để dùng sản phẩm hiệu quả hơn trong khi chờ đợi các công nghệ mới có thể giải quyết được các vấn đề hiện tại của pin di động.

Có nên sạc điện thoại qua đêm?

Để thảo luận bạn phải đăng nhập thành viên. Đăng nhập

Thảo luận khác

Gửi thảo luận trong mục Khoa học y, dược khác