Ngô Bảo Châu và thời cơ mới cho Toán học Việt Nam
Thứ sáu - 29/04/2016 09:26    
Ngày 19/8, tại phiên khai mạc Đại hội Toán học thế giới tại Ấn Độ, Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ đọc báo cáo trước toàn thể đại hội. Việt Nam đang đứng trước cơ hội nằm trong top 11-12 nước được nhận Giải thưởng Fields.
GS. Ngô Bảo Châu là một nhà toán học trẻ (sinh năm 1972) nhưng đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu toán học đặc biệt xuất sắc, được thế giới ca ngợi. Anh là học sinh Việt Nam đầu tiên giành 2 huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 1988 (khi mới 16 tuổi) và 1989. Sau 15 năm gần như “ẩn dật”, dành toàn bộ thời gian miệt mài học tập và nghiên cứu toán học tại Paris, năm 2004, tên anh xuất hiện trở lại trên báo chí ngày càng dồn dập hơn, với những thành tích mỗi ngày một lớn hơn và bất ngờ hơn.
Sinh ra tại Hà Nội, Ngô Bảo Châu là người con duy nhất của GS TSKH Ngô Huy Cẩn (Viện Cơ học, Viện KH-CN VN ) và PGS.TS. Trần Lưu Vân Hiền (Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương). Châu đã có 17 năm học tập và làm việc tại các trường nổi tiếng của Pháp: ĐH Paris 13, ĐH Paris 11. Anh đã làm việc gần 4 năm tại IAS Princeton. Đã từng làm việc khá lâu tại IHES của Pháp, Viện Toán Max-Planck của Đức.
Năm 2004 Ngô Bảo Châu đã được trao Giải thưởng Toán học Clay danh giá cùng với GS G. Laumon. Năm 2006, anh được mời đọc báo cáo tiểu ban tại Đại hội Toán học thế giới tại Madrid (Tây Ban Nha). Anh là người Việt Nam thứ ba có vinh dự này. Trước anh là hai GS người Việt Nam ở nước ngoài, GS F. Phạm và GS Dương Hồng Phong.
Sau khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của Chương trình Langlands, anh được trao Giải thưởng Oberwolfach của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007). Công trình của anh đã được tạp chí đại chúng có uy tín Time (Mỹ) bình chọn là "một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009". Tháng 6 vừa qua, công trình của anh mang tên “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie” (Bổ đề cơ bản cho đại số Lie) dày 169 trang đã được chính thức công bố trong tạp chí Publications Mathématiques de L'IHÉS do NXB Springer phát hành.
Giáo sư Ngô Bảo Châu. Ảnh: diendantoanhoc.org..
Anh sẽ được mời đọc báo cáo toàn thể tại Đại hội Toán học thế giới, tổ chức tại Ấn Độ, từ 19 đến 27/8. Với hàng loạt kỳ tích nêu trên, anh là một ứng cử viên nặng ký cho Giải thưởng Fields năm nay. Mặc dầu vậy anh vẫn rất dè dặt khi nói về điều này: “Từ các Đại hội Toán học thế giới trước đến nay, đa số nhà khoa học dưới 40 tuổi được mời báo cáo toàn thể ở Đại hội đều được trao Giải thưởng Fields tại Đại hội đó. Lần này chỉ có hai nhà khoa học, tôi và một người Brazil, dưới 40 tuổi được báo cáo tại phiên toàn thể “.
Người ta thường ví Giải thưởng Fields như là Giải thưởng Nobel trong Toán học. Thế nhưng Giải thưởng Fields lại chỉ được trao cho những thiên tài toán học phát lộ sớm, vì điều kiện tiên quyết của nó là chỉ trao cho những người không quá 40 tuổi vào năm trao giải. Cứ bốn năm một lần Giải thưởng được trao tại các kì Đại hội Toán học thế giới và mỗi lần có không quá 4 người được nhận. Như vậy, tính bình quân, mỗi năm có tối đa một người được nhận Giải thưởng.
Trong 70 năm vừa qua, 1936-2006, cả thế giới có tất cả 48 nhà toán học được trao Giải thưởng Fields. Mới chỉ có 11 nước vinh dự có công dân của mình đạt giải thưởng này, gồm: Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Nhật, Phần Lan, Italia, Thụy Điển, Đức, New Zealand và Úc, trong đó chỉ có 3 người châu Á, đều là người Nhật và có hai người gốc Hong Kong (Trung Quốc) là Shing-Tung Yau (Quốc tịch Mỹ) và Terence Tao (Quốc tịch Úc).
Năm nay Ban Giải thưởng Fields đã quyết định chọn 4 người để trao giải, nhưng những cái tên cụ thể thì còn hoàn toàn được giữ bí mật. Ngô Bảo Châu năm nay 38 tuổi. Với những kỳ tích được cả giới toán học thế giới ngưỡng mộ, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng anh sẽ là một trong 4 cái tên danh giá sắp tới. Và nếu vậy thì Việt Nam sẽ không chỉ nằm trong top 10-15 Olympic Toán phổ thông quốc tế mà còn nằm trong top 11-12 nước của thế giới được nhận Giải thưởng Fields.
Ngày19/8 tại phiên khai mạc Đại hội Toán học thế giới tại Hyderabad, Ấn Độ, chúng ta sẽ được biết điều bí ẩn khát khao đó.
Cuộc tiếp thân mật và cảm động
Ngô Bảo Châu về nước đầu tháng 7 vừa rồi với hai mục đích: thăm gia đình và làm việc. Thế nhưng, với lịch làm việc dày đặc, thời gian còn lại của anh dành cho bố mẹ, họ hàng, người thân và bè bạn rất ít. Anh phải tập trung hoàn thiện bản báo cáo toàn thể tại Đại hội Toán học thế giới. Anh đã đến nói chuyện tại Trường hè sinh viên do Viện Toán học tổ chức. Anh lại còn phải sang Bắc Kinh giảng bài và gặp gỡ các nhà khoa học một tuần. Giữa tháng 8 anh lên đường sang Ấn Độ. Vì vậy, chuyến trở về của anh được giữ khá kín, ít người được biết.
Mặt trước của huy chương Fields. Ảnh: Wikipedia.
Nhân dịp về thăm gia đình và làm việc tại Việt Nam, ngày 21/7, GS Ngô Bảo Châu đã được GS Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN), tiếp và mời dự bữa cơm trưa thân mật. Chúng ta còn nhớ, sau khi được phong GS của Đại học Paris tháng 11 năm 2004 khi 32 tuổi, một năm sau anh được HĐCDGSNN phong đặc cách GS Việt Nam. Chủ tịch HĐCDGSNN lúc đó là GS Phạm Minh Hạc. Và cho đến nay anh là người trẻ nhất được phong GS ở Việt Nam, năm 33 tuổi.
Tại buổi gặp gỡ, GS Ngô Bảo Châu bày tỏ nguyện vọng được cống hiến cho sự phát triển Toán học Việt Nam nói riêng và nền khoa học Việt Nam nói chung, trên một mức độ cao hơn và hiệu quả hơn, so với những hoạt động giảng dạy trực tiếp mà bấy lâu nay anh vẫn tích cực tham gia, mỗi khi có điều kiện về nước.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Chính phủ sẽ làm hết sức để tạo điều kiện tốt nhất cho GS Châu và những nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài đóng góp trí tuệ, sức lực và thời gian để phát triển Toán học và khoa học Việt Nam. Phó thủ tướng nhắc tới Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Một trong những điểm then chốt của Chương trình là thành lập một Viện Nghiên cứu và Đào tạo cấp cao về Toán. Một trong những mô hình có thể tham khảo cho viện kiểu mới này chính là Viện nghiên cứu cao cấp Princeton (IAS, Mỹ), nơi GS Ngô Bảo Châu được mời tới làm việc từ năm 2007 cho tới nay. Chính tại nơi đó, GS Ngô Bảo Châu đã tìm được ý tưởng đột phá để giải quyết thành công và sau đó hoàn thiện công trình để đời của mình: Chứng minh “Bổ đề cơ bản”.
Có điều rất thú vị là chính A. Einstein đã từng làm việc tại đây. Cũng tại IAS này, sau 7-8 năm liên tục theo đuổi, A. Wiles (nhà toán học người Anh) đã giải quyết hoàn toàn Bài Toán cuối cùng của Fermat, một giả thuyết vô cùng hóc búa đã thách đố loài người suốt ba thế kỷ rưỡi.
IAS là viện Toán học số một thế giới. Nó là một khuôn mẫu hay để thúc đẩy phát triển Toán học. Do vậy nhiều nước sau đó đã lập những viện tương tự như IHES của Pháp, Viện Toán Max-Planck của Đức, RIMS của Nhật, KIAS của Hàn Quốc …
Nền toán học Việt Nam đang đứng vị trí khiêm tốn, 50 đến 55 trên thế giới. Với sự quyết tâm của Chính phủ, sự cố gắng của toàn thể cộng đồng các nhà toán học Việt Nam ở trong và ngoài nước và sự đóng góp của những ngọn cờ đầu như GS Ngô Bảo Châu, chúng ta sẽ cố gắng giảm nhanh khoảng cách với các nền Toán học như Hàn Quốc. Toán học Hàn Quốc vào những năm 70 không hơn gì Toán học Việt Nam, nhưng bây giờ đã vượt xa chúng ta, trở thành điểm tựa cho sự phát triển khoa học và công nghệ của Hàn Quốc.
Chúng ta cũng không nên quá say sưa với thành tích đã đạt được ở bậc dưới là các Huy chương Olympic Toán phổ thông quốc tế từ năm 1974 đến nay và ở bậc trên cùng là Giải thưởng Fields (nếu có), mà còn phải tiếp tục phấn đấu tiến tới, vì ngay các nước trong khu vực, như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, …họ cũng rất quyết tâm và vượt lên rất nhanh.
Trần Văn Nhung - Lê Tuấn Hoa ( LBVMT )