Nhân nhanh giống keo lai tự nhiên, keo lai nhân tạo, bạch đàn Uro, bạch đàn lại nhân tạo là lát hoa bằng công nghệ bào

Thứ năm - 03/03/2016 16:44    

Những năm gần đây, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về công nghệ tế bào thực vật trong công tác chọn giống cây rừng đã được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam nuôi cấy mô đã được phát triển từ những năm 70. Tuy nhiên, các ứng dụng về nuôi cấy mô trong lâm nghiệp còn nhiều hạn chế về kỹ thuật, quy mô, vốn đầu tư, dẫn đến  giá thành cây con từ nuôi cấy mô cao hơn nhiều so với cây hom và cây hạt do đó diện tích rừng trồng từ cây mô chưa nhiều. Mặc dù vậy, cây mô với các ưu điểm vượt trội như: có thể sản xuất quanh năm không phụ thuộc vào mùa vụ, cần ít diện tích sản xuất, cây giống sản xuất ra hoàn toàn sạch bệnh, đồng nhất về mặt di truyền, có độ trẻ hóa cao và có bộ rễ giống như cây con từ hạt nên có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt hơn trên hiện trường. Nên trong thời gian tới cây con sản xuất từ nuôi cấy mô sẽ có vị trí xứng đáng trong sản xuất lâm nghiệp.

Trong các nghiên cứu về chọn giống cây rừng, Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng đã chọn tạo được một số giống Keo lai tự nhiên, Keo lai nhân tạo, bạch đàn lai và một số xuất xứ lát hoa có năng suất cao (Lê Đình Khả và cộng sự , 2003, Hà Huy Thịnh và cộng sự 2006). Các giống Keo lai và bạch đàn lai đã được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật bởi khả năng sinh trưởng tốt trên nhiều dạng lập địa. Việc phát triển nhanh các giống này vào trong sản xuất lâm nghiệp là một việc làm có ý nghĩa, ngoài việc nâng cao năng suất rừng trồng nó còn làm tăng tính an toàn sinh học trong trồng rừng vô tính. Để làm được công tác phát triển giống này, hoàn thiện công nghệ nhân giống bằng nuôi cấy mô với hệ số nhân giống cao, thời gian nhân giống được rút ngắn và hạ giá thành sản xuất cây con là việc làm hết sức có ý nghĩa.