Bạn tham khảo nhé ! mình tìm hiểu được mấy thực phẩm đồ uống của năm 2016
Khi thế giới thay đổi với tốc độ ngày một nhanh hơn, sẽ làm xuất hiện những nhân tố mới chi phối thị trường hàng hóa toàn cầu như: Mạng xã hội, hệ thống thông tin truyền thông và thiên tai. Những nhân tố đó không chỉ làm thay đổi phong cách sống mà còn định hình lại thói quen chi tiêu của người tiêu dùng. Điều đó buộc nhà sản xuất phải thích ứng với sự thay đổi xu hướng để duy trì đà tăng trưởng.
Sau đây là 12 xu hướng phát triển của ngành Thực phẩm và Đồ uống quốc tế sẽ trả lời câu hỏi người tiêu dùng mua gì và mua như thế nào, do Hãng nghiên cứu thị trường Mintel công bố.
Thay thế ở mọi nơi: Cùng với sự phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ, con người cũng khám phá thêm những nguồn dinh dưỡng thay thế cho các nguồn cung truyền thống. Đáng kể nhất là sự xuất hiện những nguồn cung cấp protein mới dần trở nên quen thuôc trong cuộc sống thường nhật của chúng ta.
Hóa chất nhân tạo – kẻ thú hàng đầu của công chúng: Một trào lưu đang rộ lên ở Úc và châu Âu là sự lên ngôi của thực phẩm tjw nhiên. Khách hàng quay sang lựa chọn những thực phẩm có công thức chế biến tự nhiên vì cho rằng thành phần của chúng là rõ ràng. Nói cách khác, người tiêu dùng giờ đây đòi hòi thực phẩm và đồ uống tươi ngon, càng ít có sự can thiệp của nhà sản xuất càng tốt. Hậu quả là, nhà sản xuất buộc phải cắt giảm thành phần hóa chất phụ gia để làm hài lòng “thượng đế”.
Tính kinh tế: Những hiện tượng tiêu cực do biến đổi khí hậu như hạn hán hay lở đất ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung thực phẩm, đồ uống, khiến cho hoạt động sản xuất gặp khó khăn. Hệ quả là, sản xuất kinh doanh trì trệ, thu nhập của người lao động không được cải thiện, buộc họ phải thắt chặt chi tiêu. Đó là lợi thế rất lớn cho các sản phẩm bình dân. Xu hướng này trở nên rõ rệt nhất ở Australia, nơi mà ngành nông nghiệp phải hứng chịu nhiều hệ quả tiêu cực do thời tiết bất thường.
Ảnh hưởng của thực phẩm và đồ uống tới ngoại hình người tiêu dùng: Khách hàng dần nhận ra rằng, bữa ăn của họ có liên quan đến vóc dáng và cảm xúc của họ, vì thế, ngày càng nhiều người tìm kiếm các thực phẩm giúp cải thiện vóc dáng và hỗ trợ sức khỏe. Đáp lại nhu cầu chính đáng đó, nhà sản xuất chuyền dần chiến lược kinh doanh từ các sản phẩm có nguồn gốc collagen sang dòng sản phẩm có chứa lợi khuẩn.
Phổ biến với mọi người: Với việc thể thao ngày càng trở thành một ngành kinh doanh béo bở, cùng sự hỗ trợ của truyền hình, chưa bao giờ khán giả được thưởng thức những kênh thể thao dễ dàng như hiện nay. Các hãng đồ uống thể thao cũng không bỏ qua cơ hội vàng để quảng bá sản phẩm của mình. Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các vận động viên cầm những sản phẩm nước tăng lực. Để tạo ra cuộc cách mạng đồ uống, nhiều công ty bắt đầu đổi mới sản phẩm theo hướng bổ sung calo, quá trình hydrat hóa cũng như sự hấp thụ protein. Trào lưu này xuất hiện trước tiên ở Bắc Mỹ, song sẽ sớm lan sang các khu vực khác.
Chứng nhận rõ ràng: Một trong những điều khiến khách hàng chú ý đến sản phẩm là nhãn hàng rành mạch, rõ ràng như thành phần, xuất xứ. ĐIều này quan trọng không chỉ với các sản phẩm sản xuất hàng loạt mà ngay cả với những sản phẩm thủ công nữa. Ở những quốc gia càng phát triển, quy luật này càng chính xác.
Cuộc cách mạng điện tử: Sự nở rộ các ứng dụng công nghệ thông tin kéo theo sự phổ dụng của phương thức giao dịch trực tuyến. Người tiêu dùng giờ đây hoàn toàn có thể tìm thấy nguồn hàng đa dạng, phong phú hơn chỉ bằng một cái nhấp chuột trong khi vẫn được đảm bảo các dịch vụ hậu mãi và giao hàng tận nơi. Nhờ có internet, mọi giao dịch không còn bị hạn chế bởi vị trí địa lý của cửa hàng giống như phương thức mua hàng truyền thống nữa.
Tìm lại hương vị ẩm thực xưa: Khi con người đã quá quen thuộc với những thực phẩm thời hiện đại, họ cảm thấy nhàm chán và tò mò về cách ăn uống của tổ tiên. Đó là tiền đề để người ta tìm hiểu nền ẩm thực trong quá khứ, với niềm tin rằng thực phẩm thời xa xưa tốt hơn thực phẩm ngày nay. Thậm chí, người ta còn lựa chọn những công thức nấu ăn cổ mà họ cho là phù hợp với tình trạng sinh lý từng người.
Đưa ẩm thực lên mạng xã hội: Ngày càng xuất hiện nhiều trang mạng xã hội chuyên về ẩm thực, khiến nấu ăn trở thành một chủ đề “hot”, không chỉ vì giá trị dinh dưỡng mà còn vì sự chia sẻ bí quyết thông qua kênh thông tin truyền thông. Nhiều người hy vọng, bí quyết nấu ăn của họ được lên sóng truyền hình , trong khi người khác chỉ đơn thuần muốn trau dồi kiến thức nấu nướng. Song, dù vì mục đích gì thì các bên đều muốn chia sẻ kinh nghiệm bếp núc với bạn bè và người hâm mộ.
Bữa ăn một người: Một đối tượng khách hàng ít được nhắc tới là những người độc thân. Xu hướng độc thân đang dần phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các nước phát triển do chi phí kết hôn và nuôi con quá đắt đỏ. Ngoài ra, đôi khi chúng ta cũng muốn trải nghiệm cảm giác ăn tối một mình. Xuất phát từ lẽ đó, các công ty cung cấp thực phẩm nhanh chóng tung ra các thực đơn dành cho một người dưới dạng thực phẩm đóng gói với kích cỡ thống nhất. Mặc dù chỉ dành cho một thực khách duy nhất, song không vì thế mà dòng thực phẩm này thiếu đi sự phong phú về hình thức hay sự hấp dẫn về khẩu vị, khiến khách hàng có cảm giác như ở nhà hàng thực thụ.
Sự thay đổi cách nhìn về chất béo: Ngày nay, người ta không còn dành cho chất béo thái độ dè chứng nữa. Nền kinh tế tri thức hiện đại giúp con người tiếp thu kiến thức nhanh chóng hơn, nên chúng ta nhận ra rằng, chất béo không phải hoàn toàn xấu, mà điều đó phụ thuộc vào cách chúng ta hấp thụ nó. Việc phân biệt rõ ràng thế nào là chất béo có lợi và có hại đã làm xuất hiện một sự chuyển dịch về tiêu chuẩn lựa chọn thực phẩm. Theo đó, hàm lượng chất béo không còn là ưu tiên hàng đầu hay là tiêu chí để người tiêu dùng chọn mua thực phẩm nữa, thay vào đó, họ đánh giá trên nhiều yếu tố.
Ăn bằng mắt: Đây lại là một hệ quả khác của mạng xã hội. Với xu hướng tín đồ mạng xã hội ngày càng đông đảo, bất cứ thứ gì được quảng cáo cũng có thể gây “bão”, thực phẩm và đồ uống cũng không nằm ngoài quy luật đó. Hình thức của chúng phải thật bắt mắt đủ để người xem hình dung ra mùi vị món ăn. Để làm được điều đó, nhiều nhà sản xuất tập trung đổi mới sản phẩm theo hướng đậm đà về màu sắc, tinh tế về công thức chế biến và khéo léo tung lên Instagram (một mạng xã hội phổ biến ở châu Âu và châu Mỹ).
“Những xu hướng này phản ánh sự ưa thích cũng như cơ hội mà người tiêu dùng dành cho sản phẩm. Song, họ không phải nhân tố duy nhất. Tình hình tài chính của khách hàng, các hiện tượng tự nhiên và mạng xã hội ngày càng có tiếng nói quan trọng quyết định việc bạn muốn ăn và uống cái gì, như thế nào, ở đâu và với ai. Những xu hướng này cũng cho thấy sự khác biệt tại nhiều nơi trên thế giới, do sự biến động của các nhân tố như văn hóa ứng xử, sự sẵn có của sản phẩm trong khu vực và nhu cầu của xã hội. Đôi khi, một xu hướng hình thành ở vùng này lại du nhập vào vùng khác, trong khi xu thế đang lên khác có tiềm năng khuynh đảo thế giới”, bà Jenny Zegler - nhà phân tích ẩm thực của Mintel kết luận.